Chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Năm 1997 ông A có mua của bà B 3000m2 đất ruộng với giá 1000m2 một cây vàng, bà B đã lấy sổ đỏ (sổ đỏ thế chấp tới 9500m2) đi thế chấp ở ngân hàng cho nên không tiến hành sang tên được cho ông A, do ông A và bà B là chỗ thân quen biết nên đã cho bà B khi nào lấy sổ đỏ về sẽ sang tên sau và đã thỏa thuận chỉ làm giấy viết tay có chữ kí của 2 bên và người làm chứng. Sau một khoảng thời gian bà B không trả tiền ngân hàng được cho đến năm 2012 bà B yêu cầu ông A trả đất lại và sẽ trả lại cho ông A 3 cây vàng theo giá thị trường, ông A không đồng ý. Xin hỏi ông A phải làm gì để có thể lấy lại đất, nếu bà B không trả tiền ngân hàng thì ngân hàng thi hành án số đất đó và sẽ giải quyết cho ông A như thế nào? Xin cảm ơn!
Gửi bởi: Trang Van Thang 
Trả lời có tính chất tham khảo
Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai 2003 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành các Bộ luật, Luật nêu trên thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan nhà nước cố thẩm quyền; quyền sử dụng đất được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Vì thế, việc ông A và bà B thoả thuận như bạn nêu thì về mặt pháp lý quyền sử dụng đất chưa được chuyển cho ông A.
Do bà B thế chấp ở ngân hàng cho nên không tiến hành sang tên được cho ông A, ông A và bà B là chỗ thân quen biết nên đã cho bà B khi nào lấy sổ đỏ về sẽ sang tên sau và đã thỏa thuận chỉ làm giấy viết tay có chữ kí của 2 bên và người làm chứng. Vì thế, ngân hàng nhận thế chấp quyền sử dụng đất là hợp pháp. Vì vậy, nếu bà B không trả nợ ngân hàng thì ngân hàng được ưu tiên thanh toán tiền từ việc bán diện tích đất đó. Ông A, bà B và ngân hàng có thể thoả thuận với nhau để giải quyết nếu ngân hàng đồng ý.
Về quyền lợi của ông A với bà B, ông A và bà B không giải quyết được với nhau thì ông A đề nghị Toà án.